Ngày đăng: 15-03-2018
Ở thành phố, có những toà nhà chọc trời hoặc cũ kỹ hoặc người chủ sở hữu muốn nó cần phải được thay thế. Vậy làm thế nào để họ có thể xoá sổ toàn bộ một công trình xây dựng khổng lồ như vậy?
Một công trình cao hơn chục tầng trên đường Dương Đình Nghệ (Hà Nội) đang được tháo dỡ từ hơn một năm nay.
Những toà nhà chọc trời mọc lên ở các thành phố trên toàn thế giới, là biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có của con người. Nhưng đôi khi, cái gì được đẩy lên cao rồi cũng đến lúc phải đi xuống.
Khi chúng bị hư hỏng hoặc không còn vừa ý nhà đầu tư, hoặc tồn tại quá lâu so với tuổi thọ của nó, những toà nhà rất cao này thường phải được san bằng. Song đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó – và do các toà nhà chọc trời ngày càng cao hơn, nhiệm vụ san bằng chúng ngày càng trở nên phức tạp.
Theo BBC News, hầu hết mọi người đều biết các toà nhà bị thổi bay bằng những vụ nổ qua các đoạn video tư liệu. Thực hiện vụ nổ để toà tháp tự sụp xuống chân nó phải là những chuyên gia có kỹ thuật cực cao. Tuy nhiên, ở những khu vực mật độ đông dân cư thì kỹ thuật nổ để huỷ toà nhà nói chung không được phép.
Do vậy, các kỹ sư đã phải tìm ra nhiều cách sáng tạo hơn để đối phó với những cấu trúc cao tầng.
Ảnh chụp toà nhà cao 15 tầng B&O Building ở Luân Đôn (Anh) đang được dỡ từ dưới lên.
Ông Michael Taylor, giám đốc điều hành Hiệp hội phá huỷ các toà nhà cao tầng quốc gia của Mỹ, tổ chức đại diện cho các nhà thầu và chuyên gia trong lĩnh vực này, cho biết có một nghệ thuật và khoa học để thực hiện nó.
Một trong những kỹ thuật kỹ lưỡng – tiên phong là hãng xây dựng Nhật Kajima thực hiện hồi năm 2008 – là hạ gục tầng dưới cùng và hạ cấu trúc toà nhà ở phía trên trên các kích thuỷ lực do máy tính điều khiển. Xem đoạn video dưới đây có cảm giác như toà nhà 20 tầng đang khuỵ xuống chân mình.
Phương pháp san bằng toà nhà chọc trời của Tập đoàn Kajima.
Các nhà phát triển có thể phải nghĩ nhiều cách sáng tạo hơn trong tương lai. Toà nhà chọc trời cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai cao đến 829m, cao hơn rất nhiều so với bất kỳ thứ gì đã được san bằng trước đó.
Toà nhà cao nhất được san bằng một cách êm ái là toà nhà Singer cao 47 tầng (187 m) ở New York (Mỹ). Nó được phá thủ công, kéo dài trong hai năm 1967-1968. BBC News cho rằng chưa rõ chính xác làm thế nào để tháo dỡ những cấu trúc siêu cao như toà Burj Khalifa. Tuy nhiên, các chuyên gia phá huỷ đã có nhiều kinh nghiệm san bằng các biệt thự cổ điển. Hiện tại, các toà nhà ở gần trung tâm thành phố có xu hướng được tháo dỡ thủ công.
Có một số cách để làm điều này.
Một trong số đó là nhóm các kỹ sư tháo dỡ từ tầng cao nhất toà nhà xuống dần, từng tầng một. Song nhược điểm của cách này là kém an toàn do rủi ro về cháy nổ hoặc cấu trúc toà nhà bị hư hại.
Thay vào đó, nhóm phá dỡ có thể sử dụng máy xúc có tay với cao để kéo những tầng cao hơn xuống. Sau khi trận động đất xảy ra năm 2010 và 2011, New Zealand nhập khẩu từ Anh một máy xúc cao đến 65m có tên là "Twinkle Toes" để chuyên kéo đổ các toà nhà cao hư hỏng ở Christchurch.
Ngoài ra, nếu bức tường bên ngoài chỉ là "rèm" – có nghĩa không phải là một phần của cấu trúc toà nhà mà chỉ là một dạng tường bao, đặc biệt là loại tường bằng kính – thì người ta có thể sử dụng một chiếc cần cẩu kéo đổ cấu trúc toà nhà sập vào trong sau khi rút ruột nội thất.
Ở một số thành phố trên thế giới có thể vẫn cho sử dụng cách "thổi" bay toà nhà.
Thuật ngữ nổ là một điều có thể dẫn đến hiểu lầm. Trong thực tế, kỹ thuật này liên quan đến chiến lược đặt thuốc nổ để loại bỏ cấu trúc hỗ trợ của tòa nhà để nó sụp đổ trên chính nó, gây ra ít thiệt hại cho môi trường xung quanh nhất có thể. Kết quả là toà nhà được giải quyết nhanh chóng, thường một vụ nổ mất 8 giây – và ngoạn mục.uy nhiên, tiến hành một vụ phá huỷ toà nhà như vậy phải trải qua một quá trình chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Có thể phải mất đến nửa năm để khảo sát cấu trúc và chuẩn bị cho vụ nổ bằng cách phá những bức tường không chịu tải, làm yếu các cấu trúc hỗ trợ và tìm nơi đặt thuốc nổ phù hợp. Chưa kể, làm sạch bụi, vụn gạch vữa, bê tông sau đó có khi phải mất nhiều tháng trời.
Ngoài ra, nếu có một chút sai sót, hậu quả sẽ rất thảm hại. Trong năm 1997, 9 người đã bị thương, một bé gái 12 tuổi thiệt mạng do mảnh vụn bay trong quá trình phá dỡ toà nhà Bệnh viện Hoàng gia Canberra ở Úc.
Dù biện pháp phá huỷ an toàn đến mức nào thì việc phá một công trình cao ốc cũng rất tốn kém và ảnh hưởng lớn đến môi trường sống xung quanh. Cho nên, ông Antony Wood, giám đốc điều hành Hội đồng các toà nhà cao tầng và cư dân đô thị Mỹ mong muốn không có lý do gì mà các toà nhà chọc trời không thể được tân trang vô thời hạn. "Chúng cần phải được thiết kế để không bao giờ phải san bằng. Như các kim tự tháp, chẳng có ai biết khi nào nó hết hạn sử dụng".
Nếu điều đó có thể, các toà nhà chọc trời sẽ thực sự thách thức trọng lực. Cái gì đi lên thì không nhất thiết phải đi xuống.
Minh Hương